Dung Nạp Kiến Thức

Thải độc cơ thể – Chải da khô

 

Đôi khi những tế bào già cỗi có thể bám vào bề mặt da, làm dẫn dụ các vi sinh vật gây bệnh cũng như các vi khuẩn. Chải da khô không những có tác dụng tẩy tế bào chết cho da mà còn cải thiện tuần hoàn máu và giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.

 

Chải da khô là gì ?

Dry Brushing – Chải da khô không còn là phương pháp quá xa lạ đối với các tín đồ làm đẹp.

Được bắt nguồn từ – Ayurveda là phương pháp dưỡng sinh, chữa bệnh đặc sắc của nền y học cổ truyền Ấn Ðộ đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Một trong những triết lí làm sạch trong Ayurveda được mọi người thường xuyên áp dụng đó chính là chải da khô. Vì chải da khô giúp tăng cường lưu thông máu, thải độc tố, làm sạch bạch huyết, giúp cho cơ thể khỏe mạnh hơn, làn da cũng trở nên săn chắc, mượt mà.

Người xưa tin rằng bệnh tật là do các mạch máu tắc nghẽn gây ra. Và việc chải da khô có tác dụng dựa trên lí thuyết rằng các động tác chải, massage trên da sẽ kích thích từ bên ngoài da, làm tăng lưu thông tuần hoàn máu.

Với phương pháp này, bạn chỉ cần dùng một bàn chải khô và massage cho da bằng một chiếc cọ hay bàn chải chuyên dụng mà không sử dụng nước. Thực hiện với tần suất 3-4 lần/tuần cũng  là cách chống lão hóa da hiệu quả.

 

Chải da khô - thải độc tố từ sâu bên trong

Chải da khô – thải độc tố từ sâu bên trong

 

Mặc dù phương pháp này chưa được các nghiên cứu khoa học chứng minh về hiệu quả nhưng đã có rất nhiều người áp dụng thử và nhận được kết quả rất khả quan.

Chuyên gia làm đẹp Annet King, phó giám đốc thương hiệu Elemis cho biết:

”Tôi rất khuyến khích nếu bạn chăm chỉ thực hiện phương pháp này. Thao tác nhanh, dụng cụ đơn giản với giá thành rẻ và nhất là tác dụng tuyệt vời.

Nó giúp tăng khả năng tuần hoàn máu, thúc đẩy quá trình thay mới tế bào làm giảm hiện tượng cellulite. Hay còn gọi là hiện tượng sần vỏ cam – sự phình ra của các mô mỡ làm cho bề mặt da không được bằng phẳng. Ngoài ra, lỗ chân lông chính là nơi mồ hôi thoát ra để các chất độc từ cơ thể được đào thải. Dry brushing giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn, các dưỡng chất vì thế cũng được thẩu thấu nhanh hơn hẳn”.

 

Tác dụng của việc chải da khô

Mặc dù cách chải da khô thực hiện rất đơn giản nhưng lại mang đến nhiều hiệu quả cho làn da như:

• Tẩy tế bào chết: Chà da khô có tác dụng tương tự như các loại tẩy da chết vật lý thường thấy. Lông bàn chải sẽ giúp loại bỏ các tế bào da xỉn màu, sần sùi, bong tróc. Sau một lần chải khô, làn da sẽ mềm mại và mịn màng hơn.

• Tăng lưu thông máu: Khi bạn chải da khô thường xuyên và đều đặn sẽ giúp cho quá trình tuần hoàn máu được đẩy mạnh, các mạch máu dưới da được cung cấp đầy đủ khiến cho làn da được sáng hồng và tươi trẻ hơn.

• Giúp bạn có thêm năng lượng: Thói quen chà da bằng bàn chải khô có thể giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và sảng khoái hơn mỗi sáng. Cảm giác này có thể đến từ niềm vui khi bạn dành thời gian chăm sóc bản thân hoặc cũng có thể nhờ tuần hoàn máu tăng cao.

• Kích thích hệ bạch huyết: Chải da khô đặc biệt có tác dụng làm sạch bạch huyết. Làm sạch hệ thống bạch huyết là điều cần thiết vì các tuyến bạch huyết làm việc như một cơ chế phòng vệ chính của cơ thể. Hệ thống bạch huyết quét sạch các mảnh vụn tế bào vốn không còn được nuôi dưỡng bởi các mạch máu, cũng giống như virus, vi khuẩn và bụi.

• Thải độc trong cơ quan nội tạng: Chúng ta đều biết rằng da có khả năng hấp thu dưỡng chất và cung cấp tới các mạch máu trong cơ thể. Da có chức năng kết nối trực tiếp đến tất cả các cơ quan nội tạng khác. Vì vậy, thông qua da cơ thể chúng ta có thể tự động nuôi dưỡng và thải độc liên tục. Phát ban, vết dơ, mùi và màu sắc có thể xuất hiện vì da đang làm việc quá sức để bài tiết chất thải trong cơ thể.

• Cải thiện tình trạng da sần sùi: Khi thực hiện chải da khô, lông bàn chải sẽ tác động trực tiếp lên các vùng da sần vỏ cam đặc biệt là ở các vị trí như đùi, hông bụng, cánh tay. Từ đó giúp cho da được mềm mịn tự nhiên hơn.

Ngoài ra chải da khô còn giúp cho các lỗ chân lông của da được sạch thoáng, đẩy sạch đi các bụi bẩn tích tụ trên da mỗi ngày

 

Cách lựa chọn bàn chải khô

 

 

Việc lựa chọn bàn chải phù hợp có tác dụng tích cực đến hiệu quả làm sạch da cũng như khắc phục các nhược điểm của da đang gặp phải.

• Bàn chải có lông tự nhiên: Hầu hết các chuyên gia thường khuyên dùng bàn chải lông tự nhiên làm từ các nguồn thực vật như sợi đay hay sợi sisal. Bạn không nên chọn những chiếc bàn chải có lông quá cứng vì loại bàn chải này không những không chải da khô hiệu quả mà còn gây khó chịu.

Đối với da mặt, bạn cần tìm một loại bàn chải nhỏ và mềm hơn. Nếu không tìm mua được bàn chải cho mặt, bạn có thể dùng khăn mềm để chăm sóc vùng da này.

Đối với những vùng da mỏng như mặt, bụng và ngực, bạn nên chọn bàn chải không có cán và lông bàn chải mềm hơn một chút.

• Bàn chải có tay cầm dài: Để thuận tiên trong việc chải da khô thì bạn có thể chọn loại bàn chải có tay cầm, như vậy bạn mới có thể dễ dàng chải đến khắp các vùng da sau lưng hoặc bàn chân, sau đùi một cách dễ dàng hơn.

 

Các hạn chế khi dùng bàn chải khô

Phương pháp chà da khô thường khá an toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần lưu ý một số rủi ro và hạn chế sau đây trước khi thực hiện nhé.

• Kích ứng da: Một tác dụng phụ thường thấy khi chà da khô với bàn chải là kích ứng da. Đây là tác dụng phụ xảy ra khi bạn chà da quá mạnh, quá thường xuyên hoặc khi da bạn rất nhạy cảm. Da có thể hơi hồng hơn sau một lần chà da khô nhưng thường sẽ không bị đỏ, trầy xước, nóng rát hay châm chích. Nếu có những cảm giác khó chịu này, bạn cần điều chỉnh cách dùng bàn chải khô.

• Khô da: Da có thể bị khô sau khi bạn dùng bàn chải khô. Bạn nên dùng thêm dầu dừa dưỡng ẩm sau khi chà da để cải thiện tình trạng này.

• Không phù hợp với một số người: Bạn không nên thực hiện phương pháp chà da khô nếu bị chàm, vẩy nến, phát ban hay da đang có vết thương, bị cháy nắng hoặc bị kích ứng. Bạn cũng nên tránh chà da khô nếu da quá nhạy cảm. Nếu thấy da kích ứng sau khi chà, bạn hãy giảm bớt tần suất hoặc tránh hoàn toàn phương pháp này.

 

Chải da khô khi nào?

Thời gian để phương pháp chải da khô đạt hiệu quả cao nhất đó là thời gian vào buổi sáng trước khi tắm. Khi thực hiện trong thời điểm này sẽ giúp làm cơ thể nóng lên. Kết hợp với việc tẩy da chết sẽ giúp loại bỏ sạch bụi bẩn cũng như là các vùng da vỏ cam sần sùi hiệu quả.

Nhớ đừng chải da khô quá thường xuyên. Nhiều người ưa chuộng liệu pháp này thực hiện hàng ngày hoặc mỗi ngày hai lần, nhưng điều này là không cần thiết và còn có thể dẫn đến khô da, kích ứng da và nhiễm trùng.

 

Cách chải da khô

 

 

1. Đối với phương pháp chải da khô này thì bạn có thể áp dụng mỗi ngày hay 2 lần/tuần tùy sở thích và tình trạng da, để giúp kích thích sự lưu thông máu và giảm sự xuất hiện của cellulite. Từ đó giúp thanh tẩy sạch tế bào chết, cho da sáng mịn và mềm mượt tự nhiên. Nên áp dụng vào buổi sáng trước khi tắm để tăng hiệu quả cao hơn.

2. Lưu ý khi thực hiện thì bạn chỉ cần chải nhẹ nhàng, không cần chà xát quá mạnh để tránh làm da bị tổn thương.

3. Chọn một nơi thoải mái, không trơn trượt để thực hiện. Sử dụng bàn chải chuyên dụng chải theo hướng xoay tròn trên vùng da. Bạn bắt đầu từ dưới lên trên, và chải theo hướng từ trong ra ngoài nhé.

4. Chà khô toàn bộ hai cẳng chân rồi mới tiến lên phần đùi trên. Tiếp tục chà da tiến tới mông và lưng. Di chuyển bàn chải đến cánh tay, bắt đầu từ mu bàn tay và hướng lên vai.

 

 

5. Tiến tới bụng và ngực. Những vùng này nhạy cảm hơn cánh tay và chân nên bạn cần nhẹ nhàng hơn. Bạn có thể tiếp tục chà theo các đường hướng lên hoặc theo vòng tròn tùy sở thích. Tuy nhiên, bạn lưu ý tránh phần đầu ti.

6. Đối với vùng lưng thì bạn nên dùng một bàn chải có cán dài để thực hiện dễ dàng hơn. Nên chải từ cổ rồi xuống lưng.

7. Nếu muốn chà da mặt và cổ, hãy chuyển sang bàn chải nhỏ và mềm hơn. Bạn chà nhẹ ở cổ theo hướng từ dưới lên trên rồi chà da mặt từ cằm đến trán.

Rồi đi theo sát môi ở 2 hướng của khoé môi 2 bên. Xong thì chải 2 bên má2 bên mắt và đầu mũi theo hình tròn, còn nhân trung thì chải ra ngoài theo 2 hướng 2 bên. Cuối cùng là vùng trán, bạn hãy chải từ vị trí trung tâm sang 2 bên thái dương.

8. Không nên chải đi chải lại, nên thực hiện một đường chải dài nhé.

9. Thời gian chải tối đa là 2-3 phút, không nên chải quá lâu.

10. Khi chải xong toàn bộ cơ thể thì bạn tắm sạch lại với nước mát để lấy sạch đi các tế bào chết trên da.

11. Chải da khô xong cơ thể cần được cung cấp dưỡng chất nên sau khi tắm bạn hãy dùng một lượng nhỏ dầu dừa và thoa đều lên.

12. Bạn cần giữ vệ sinh bàn chải bằng cách làm sạch bàn chải bằng xà bông nhẹ, rửa sạch rồi phơi khô.

Trên đây là toàn bộ những gì liên quan đến phương pháp chải da khô, hy vọng sẽ giúp chị em có thể sở hữu được một làn da săn chắc và mịn màng. Bên cạnh đó, bạn không chỉ chăm sóc da bên ngoài mà còn giúp da thải độc tố từ sâu bên trong cơ thể.